Cuốn “Lịch sử trường PT Vùng cao Việt Bắc” đã ghi lại những năm tháng hình thành và phát triển nhà trường, những sự kiện lịch sử trọng đại, những nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn thử thách trong quá trình phát triển, những thành tích to lớn mà thày và trò đã dành được trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn nên không thể viết hết những sự kiện trong cuốn lịch sử đó. Bởi vậy, tôi muốn chia sẻ thêm để các bạn đồng nghiệp và các em học sinh biết thêm về một mảng hoạt động giáo dục của nhà trường: Đó là mở rộng quan hệ hợp tác giáo dục với quốc tế, trong đó có nước bạn Lào mà tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã được trực tiếp tham gia, cũng giống như điểm thêm một gam màu vào bức tranh đầy màu sắc của Trường PT Vùng cao Việt Bắc của chúng ta.
KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY Ở TRƯỜNG PT DÂN TỘC NỘI TRÚ UODOMXAY - LÀO
(Nguyễn Chí Tiến - Nguyên Trưởng phòng Công tác HS, SV - An ninh)
Các bạn và các em đã biết, quan hệ gắn bó thủy chung giữa hai nước Việt - Lào được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng và phát triển liên tục từ xưa. Quan hệ đó được Bác Hồ tóm tắt bằng mấy vần thơ mà đến nay cả người Việt và người Lào đều nhớ, đó là:
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Thể hiện một trong nhiều nội dung của quan hệ đó, Trường PT Vùng cao Việt Bắc tự hào được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao nhiệm vụ giúp đỡ Bộ Giáo dục Lào về bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp tổ chức các hoạt động cho đội ngũ cán bộ quản lý của các trường DTNT Lào; cử cán bộ quản lý và giáo viên có kinh nghiệm sang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của nước bạn.
Tính từ đầu những năm 1990, nhà trường đã tiếp nhận gần 20 các thày cô là cán bộ quản lý ở Bộ và các trường PT DTNT của Lào đến học tập kinh nghiệm về công tác tổ chức và quản lý. Thày Nguyễn Văn Đào và một số thày cô giàu kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục đã trực tiếp gỉảng dạy và truyền đạt kinh nghiệm cho đoàn. Tôi còn nhớ trong đó có các thày Xomđi, BunThiêng, cô giáo Xengmani, Xomsac… mà sau này tôi có dịp gặp lại ở trường PT DTNT tỉnh Uodomxay trên đất nước Triệu Voi.
Trường PT Vùng cao Việt Bắc đã mang lại cho các bạn Lào một cách tiếp cận, một cách làm mới đầy trí tuệ và sáng tạo trong công tác quản lý và học tập tại các trường DTNT còn rất mới mẻ với các bạn và từ đó làm kim chỉ nam để khi về nước, các bạn vận dụng thực hiện thành công.
Bên cạnh đó, Bộ còn giao cho trường tuyển chọn giáo viên, cán bộ quản lý có kinh nghiệm sang trực tiếp giúp đỡ các trường trọng điểm của Lào. Căn cứ “Hiệp định về hợp tác KTVH - KHKT giữa Chính phủ CHXHCN Việt nam và Chính phủ CHDCND Lào” ký tại Viên Chăn, ngày 9/3/1998 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 4051/QĐ-BGDĐT-TTCG ngày 30/10/1998 cho phép ông Nguyễn Chí Tiến - Phó phòng Giáo vụ và bà Ngân Thị Nhiệm - Giáo viên Ngữ văn Trường PT Vùng cao Việt Bắc đi làm chuyên gia giáo dục tại Lào thời gian 6 tháng kể từ tháng 6/1998.
Do nhiều lý do khách quan từ phía bạn, phải đến tháng 9/1999 tôi và chị Nhiệm mới lên đường đi làm nhiệm vụ và đây cũng là mở đầu cho một thời kỳ Trường PT Vùng cao Việt Bắc cử CB, GV đi làm nhiệm vụ giáo dục Quốc tế tại nước bạn Lào anh em, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về một mô hình giáo dục mới của Việt Nam dành cho đồng bào dân tộc thiểu số mà nước bạn Lào quan tâm học tập.
Lúc 14h ngày 14/9 trên chiếc máy bay Forser mang số hiệu QV 821 của hãng Hàng không Việt Nam, sau gần 60 phút bay trên bầu trời sáng đẹp, vượt qua dãy Trường sơn hùng vĩ ngăn giữa hai nước Lào - Việt, chúng tôi cùng 4 chuyên viên Bộ GD&ĐT đã có mặt tại sân bay Viên Chăn và anh bạn Phengma - chuyên viên Bộ GD Lào đón chúng tôi trên chiếc Toyota 12 chỗ về nghỉ tại Nhà khách Bộ GD nước CHDCND Lào.
Sáng 15/9, chị Nhiệm được bố trí bay đến tỉnh Xavanakhet - trường PT DTNTXavanakhet; phải đến ngày 20/9, tôi cùng 4 chuyên viên của Bộ mới bay đến Trường PT DTNT tỉnh Uodomxay ở phía Bắc Lào.
Từ Viên Chăn đến Uodomxay, máy bay bay hết gần 50 phút, tại sân bay tôi suýt bị thất lạc vali đựng quần áo do đến nhận muộn, lại phải nhờ BGH nhà trường liên hệ với sân bay tìm hộ. Thật vui mừng khi gặp lại bộ ba lãnh đạo Trường PT DTNT Uodomxay khi các bạn sang trường ta học tập đó là Xomđi - Hiệu trưởng và hai hiệu phó là cô Xengmani và thày Bunthieng.
Trước hết, xin mô tả để các bạn dễ hình dung về ngôi trường này: Uodomxay là trường PT DTNT của các tỉnh phía Bắc Lào do Chính phủ Việt Nam xây tặng có giá trị 18 tỷ VNĐ. Ngôi trường khá đẹp và hiện đại, hài hòa với cảnh núi rừng trùng điệp. Các khu nhà BGH, hành chính, nhà ở KTX và lớp học được kết nối với nhau bằng nhà cầu. Nhà Đa năng lớn xây biệt lập, có sân chơi bóng đá, bóng rổ, tennis và bóng bàn. Khu lớp học là khối nhà 3 tầng, hai tầng trên làm lớp học, tầng dưới cùng làm phòng thí nghiệm. Nhà ăn tập thể ngay sau khu KTX. KTX gồm 50 phòng ở khép kín. Nhìn xa, ngôi trường như một nàng tiên nằm trên thảm rừng xanh ngút tầm mắt.
Biên chế nhà trường có 19 người chia làm 4 tổ là Văn phòng, Tổ chức, KHTN và KHXH, lúc tôi đến trường có 310 học sinh các bộ tộc Lào học tập ở các lớp 6,7,8 và 9.
Về sinh hoạt, BGH tuần họp một buổi, các tổ chuyên môn sinh hoạt 1lần / tháng, không có giao ban chủ nhiệm, các em học từ thứ 2 đến thứ 6, có 2 ngày nghỉ tự do là thứ 7 và chủ nhật. Học sinh lên lớp học sáng còn chiều và tối tự học, 9 giờ tối hết giờ tự học. Mỗi học sinh được cấp 45.000 kip/tháng (tỷ giá 1USD lúc đó = 6300 kip),ăn ngày 2 bữa chính hết 1200 kip, ăn sáng tự túc, số tiền còn lại để các em tiêu riêng.
Ở Lào, các bạn không tính điểm TBM như ta mà lấy tổng điểm trung bình các môn trong tuần để xếp loại học sinh, không có quy định chặt chẽ về số điểm phải kiểm tra bắt buộc như kiểm tra miệng, 15’ … nên giáo viên và học sinh không chịu áp lực nhiều về số lượng điểm; Những việc như thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi… đặc biệt là các sinh hoạt có tính trí tuệ chưa được tổ chức, việc dự giờ đánh giá xếp loại giờ dạy khá thoải mái, ít được chú ý, thiếu bài bản.
Về học sinh, các em ngoan và tự giác. Các em tự bố trí việc gác cổng trường, quản lý việc ra vào của mọi người, khi được nghỉ thì chơi hết mình. Ngày 21/9 tôi bắt đầu làm việc với BGH để thống nhất nội dung và lịch công tác tại trường, những nội dung tôi sẽ giúp bạn và thống nhất những việc mà bạn yêu cầu tôi giúp.
Có thể tóm tắt là về quản lý chuyên môn, tôi giúp bạn xây dựng các kế hoạch như: cách tổ chức thi GVG, tổ chức ôn thi HSG và thi HSG, phụ đạo học sinh yếu kém, cách sắp xếp TKB khoa học, logic, tổ chức sinh hoạt chuyên môn và giao ban chủ nhiệm; tổ chức dự giờ, thăm lớp, xếp loại giáo viên; cách tổ chức và đánh giá xếp loại thi đua hàng tuần với học sinh; tổ chức chào cờ sáng thứ hai hàng tuần; tổ chức trực KTX và xếp loại phòng ở văn minh, tổ chức trồng rau cải thiện đời sống...
Điều may mắn với tôi là Hiệu trưởng Xomđi từng học tập ở Việt Nam nhiều năm nên nói tiếng Việt khá sõi, anh thường làm phiên dịch cho tôi trong những lúc làm việc với CB,GV và HS nhất là lúc làm việc với tỉnh trưởng Uodmxay hay Sở GD tỉnh, bản thân tôi cũng mày mò nhờ các bạn Lào phiên âm nhiều từ Việt Nam sang tiếng Lào thành cuốn từ điển nhỏ để từ đấy tôi có thể ghép thành câu khi giao tiếp với mọi người, vì thế có cô giáo ở trường từng nhận xét “Achan (thày giáo) Tiến nếu ở đây lâu chắc tán đổ gái Lào ngay thôi” và mẹo nhỏ này khiến tôi có bài phát biểu bằng tiếng Lào trước toàn trường khi chia tay để về Việt Nam khiến GV và các em học sinh hết sức ngạc nhiên (tuy rằng trước đó tôi phải nhờ Xomđi chỉnh giúp).
Lịch công tác dày đặc, lúc tôi họp với Hội đồng giáo dục, lúc với BGH, lúc với cán bộ lớp, khi dự giờ, thăm KTX, thăm Nhà ăn, thăm học sinh nằm bệnh viện, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, thi HSG, chấm điểm xếp loại thi đua các lớp. CB, GV và học sinh thật sự đã coi tôi là thành viên của trường.
Tối thứ bảy hàng tuần, nhà Đa năng mở cửa để mọi người đến vui văn nghệ múa hát lăm vông, giáo viên và đặc biệt các em học sinh rất mạnh dạn hào hứng tham gia. Có những lúc sau khi múa hát xong một điệu, người múa hay được thưởng rượu, nhiều lúc tôi bị say chẳng biết về phòng ở bằng cách nào. Như vậy để các bạn đồng nghiệp và các em học sinh hiểu rằng tất cả những công việc mà chúng ta đã thực hiện thành nề nếp ở trường PT Vùng cao Việt Bắc được triển khai thực hiện ở Trường Uodomxay, đó là thành quả lao động sáng tạo, những kinh nghiệm quý báu của chúng ta được tôi tập hợp và đưa sang giúp bạn. Có những việc bạn chưa từng làm, có những việc đã làm nhưng chưa hiệu quả, từng ngày, từng giờ với phương châm “cầm tay chỉ việc” từ nhỏ đến lớn nên nhà trường có những bước chuyển biến lớn về mọi mặt. Tôi xin được lược trích một số kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ở Lào:
Câu chuyện thứ nhất: “Chuyện ở phòng Thí nghiệm Hoá - Sinh”
Một sáng cuối tháng 9, tôi đến thăm phòng thí nghiệm Hóa - Sinh. Thày Xomchăn - tổ tưởng môn Hóa hỏi tôi: Thày giải thích cho em vì sao khi cho bột sắt vào dung dịch axit HCl mà không có khí H2bay ra và chỉ cho tôi hai lọ đựng hai hóa chất trên (do Việt Nam cung cấp). Tôi suy nghĩ và nêu hướng giải quyết : đầu tiên phải xác định có đúng là dung dịch HCl hay không, và sau đó là lọ đựng bột Fe, có đúng là Fe hay là oxit của Fe? Bằng các thí nghiệm định tính chúng tôi xác định được dung dịch HCl, nhưng khi cho “bột Fe” vào dd HCl đó thì không có khí H2 thoát ra. Như vậy, vấn đề là bột Fe đã bị oxy hóa thành oxit của Fe. Tôi bảo Xomchăn lấy đinh Fe khác cho vào dung dịch HCl, lúc đó có khí H2thoát ra. Lúc này thì Xomchăn hiểu ra vấn đề là gì. Bạn rất vui và tôi thì cũng thở phào nhẹ nhõm, từ khi đó lúc nào có thí nghiệm là Xomchăn cũng hăm hở đến tìm tôi.
Câu chuyện thứ hai: “Chuyên gia ăn mỳ sống và tắm suối”.
Trường Uodomxay dùng thủy điện của tỉnh và đôi khi mất điện nhiều giờ, vì tự nấu ăn có sử dụng điện nên lúc ấy việc ăn mỳ ăn liền, uống nước phích là chuyện đương nhiên. Mất điện kèm theo mất nước, lúc đó “chuyên gia giáo dục” phải đi bộ nửa km để tắm suối. Nghe nói con gái Lào hay tắm suối ở trần rất xinh, song nhiều lần đi tắm suối chẳng gặp O nào. Nói như vậy để thấy rằng đi công tác ở nước ngoài đôi lúc cũng rất khó khăn chứ không phải lúc nào cũng sướng cả, nhất là lúc các bạn về nhà hết, chỉ có một mình ở nơi ít người giao tiếp được bằng tiếng Việt, lúc ấy thật nhớ nhà.
Câu chuyện thứ ba: “Bộ trưởng BGD Lào mời cơm tại nhà riêng”.
Ngày 13/12, sau khi hoàn thành đợt công tác tại Uodomxay với nhiều kỷ niệm khó quyên, sau buổi chia tay đầy lưu luyến và xúc động, tôi trở về Viên Chăn và gặp lại chị Nhiệm. Ngày 14/12, lúc 14h chúng tôi làm việc với Ông Bunphon - thứ trưởng BGD Lào để báo cáo kết quả công tác tại hai trường. Sau khi nghe báo cáo, thứ trưởng đánh giá cao những việc mà chúng tôi đã làm được ở hai trường DTNT và mong muốn được Việt Nam tiếp tục giúp đỡ và trao quà lưu niệm, tặng Bằng khen; chúng tôi được báo tối 15/12 Bộ trưởng BGD Lào mời cơm tại nhà riêng (Viên Chăn).
Ngày 15/12, lúc 19h, anh bạn Phengma và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đánh xe con đến đón chúng tôi tại Nhà khách của Bộ GD. Tại nhà riêng của mình, Bộ trưởng tiếp và chuyện trò thân mật, vui vẻ với chúng tôi như những người thân. Bộ trưởng khen ngợi những việc đã làm của chúng tôi và điều rất cảm động là phu nhân của Bộ trưởng đã tự làm một bữa cơm Việt Nam đãi chúng tôi, có thịt gà và nem rán Hà Nội (nhà Bộ trưởng cũng nuôi gà, trồng rau). Thật sự, tôi rất xúc động trước tình cảm tốt đẹp mà gia đình Bộ trưởng đã dành cho tôi và chị Nhiệm.
Tôi càng cảm thấy tự hào về mái trường Vùng cao Việt Bắc, nơi mà các thế hệ đồng nghiệp và các em học sinh đã không ngừng phấn đấu đi lên để những bài học kinh nghiệm của chúng ta được các bạn đón nhận và thực hiện thành công. Tình cảm mà lãnh đạo BGD, đặc biệt của Bộ trưởng Bộ GD Lào thể hiện là để cảm ơn trường PT Vùng cao Việt Bắc mà chúng tôi là những người đã vinh dự được thay mặt bạn bè, đồng nghiệp thể hiện và đón nhận.
Ảnh: Đoàn CB, GV trường DTNT Tỉnh Uodomxay thăm và học tập kinh nghiệm tại trường PT Vùng cao Việt Bắc (ngày 11-13/12/2016)
Ngày 16/12/1999 tôi và chị Nhiệm hoàn thành chuyến công tác tại Lào và trở lại ngôi trường thân yêu Vùng cao Việt Bắc, tiếp tục làm công tác quản lý và giảng dạy, cùng đồng nghiệp viết tiếp trang sử vẻ vang của nhà trường. Tiếp sau tôi, nhiều bạn bè đồng nghiệp như: thày Tám, thày Thường, cô Thảo, Cô Châm, cô Thái… được nhà trường cử đi giúp các bạn Lào và các bạn cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng thủ tướng và nhân dân Lào bộ Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt trong chuyến thăm chính thức CHDCND Lào vào ngày 26 - 27/4/2017.
Tình đoàn kết Việt - Lào của trường ta với các bạn Lào càng thêm gắn bó mật thiết. Năm 2002, tôi gặp lại thày Xomđi tại Hà Nội, lúc đó anh đang học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đầu năm 2017 tôi lại vinh dự được gặp đoàn CB, GV của trường Uodomxay tại trường PT Vùng cao Việt Bắc do thày Xomsac làm hiệu trưởng (thay thày Xomdi lên làm Giám đốc Sở GD tỉnh). Gặp nhau tay bắt mặt mừng, điều làm tôi cảm động nhất là khi thày Xomsac nói lúc gặp: Tất cả CB, GV vẫn nhớ thày Tiến, những điều thày bồi dưỡng giảng dạy chúng em vẫn nhớ và thực hiện. Kết quả là Trường PT DTNT Uodomxay hiện là một trong các trường DTNT dẫn đầu cả nước. Mong có ngày gặp lại thày tại Lào.
Chuyện còn dài, nhưng có lẽ hôm nay không thể viết hết được, mừng nhà trường 60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ đã kế tiếp nhau làm rất tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, được nhân dân các dân tộc miền núi trao gửi niềm tin.
Trong dòng chảy của thời gian, chúng ta - các thế hệ thày và trò của mái trường từng ba lần được đón Bác về thăm có quyền tự hào về những gì đã làm được và hướng tới những tương lai tươi sáng ngày mai.
|