Đó là một sáng tháng tư năm 1998, vừa vào đến cổng trường tôi đã nghe thấy tiếng ai đó oang oang: “Đúng là trong mơ cũng không dám nghĩ được đến 15 giải, mà môn Hóa những 7 giải”… Có kết quả kì thi chọn HSG Quốc gia rồi sao? Tôi vội rảo bước lên phòng Đào tạo, khá đông thày cô đang bàn tán xôn xao. Những nụ cười, những ánh mắt rạng ngời... Tất cả đang sẻ chia niềm vui về một mùa giải đẹp…
Ảnh: NGND Nguyễn Văn Đào - Hiệu trưởng, cô Đinh Thị Kim Phương - Trưởng Phòng ĐT, cô Nguyễn Thanh Thuỷ - Tổ trưởng tổ Văn và các HS K44 đạt giải HSG Quốc gia năm 1998
Cũng như các trường DTNT khác, học sinh Vùng cao Việt Bắc đến từ những vùng sâu, vùng xa, vào trường theo chế độ cử tuyển để đáp ứng mục tiêu tạo nguồn cán bộ dân tộc ít người cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước năm 1995, điều chúng tôi quan tâm là “lấp đầy” kiến thức, rèn giũa kĩ năng làm bài cho các em để đảm bảo thi đỗ tốt nghiệp và được tuyển vào các trường chuyên nghiệp với số lượng cao nhất. Ở thời điểm ấy, có được giải cấp tỉnh còn hết sức khó khăn thì việc ôn luyện cho học sinh tham dự kì thi chọn HSG Quốc gia là điều mà những người lạc quan nhất cũng không nghĩ tới.
Thuộc mẫu người năng động sáng tạo, thày Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đào (được Nhà nước vinh danh NGND năm 2002) lại không nghĩ vậy! Trăn trở tìm hướng đi mới, trong các cuộc họp hội đồng giáo dục, thày đã nhiều lần nêu vấn đề: “Muốn bình đẳng dân tộc thì phải bình đảng về trí tuệ. Trường ta cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, tại sao không tham gia kì thi chọn HSG Quốc gia ?” Và nói là làm! Thày đích thân đưa đoàn giáo viên cốt cán “tầm sư học đạo” ở Nam Định - vùng “đất học” nổi tiếng.
Sau chuyến đi ấy, bồi dưỡng học sinh giỏi đã trở thành nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các tổ chuyên môn. Trái ngọt mùa đầu - Giải Quốc gia đầu tiên với sự thăng hoa của em Tòng Minh Hải - nữ sinh dân tộc Thái duyên dáng, tài năng, đánh dấu bước đột phá quan trọng của trường PT Vùng cao Việt Bắc trong hành trình chinh phục đỉnh cao trí tuệ dành cho học sinh THPT - Kì thi chọn HSG Quốc gia.
Ảnh: Em Tòng Minh Hải - K35 - HSG Quốc gia đầu tiên của nhà trường
Tôi còn nhớ như in phút giây nghe thông báo, cả trường vỡ òa vì quá bất ngờ trước niềm vui lớn. Tiếng vỗ tay, tiếng hò reo vang rộn sân trường. Có những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc… Dù chỉ là một giải Khuyến khích nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đã nhóm lên niềm tin: “Vậy là học sinh các dân tộc thiểu số đã có thể góp mặt và thành công trong cuộc đua sức tranh tài với học sinh các trường Chuyên trong cả nước!”
Cũng từ đó, xuất hiện một cuộc phấn đấu thầm lặng với cả thày và trò. Không khí giảng dạy, học tập sôi nổi, hào hứng hơn, đặc biệt ở các lớp chọn. Mùa thi thứ hai, trường đạt 2 giải Văn (một giải Ba, một giải Khuyến khích).
Ảnh: Hai Cô giáo có học sinh đạt giải Quốc gia hai mùa đầu Thanh Vân - Minh Nguyệt
Sang mùa thi thứ ba, tiếp tục là một bước đột phá khi lãnh đạo nhà trường quyết định chọn học sinh khối 11 dự thi vượt cấp (dù không phải ai cũng ủng hộ vì trong những bước đi ban đầu đầy khó khăn này, đây là ý tưởng táo bạo, có phần mạo hiểm). Không phụ lòng tin tưởng của ban lãnh đạo nhà trường, 02 học sinh lớp 11 Vy Thị Bích Thủy và Hoàng Anh Thư đều đạt giải Ba, góp vào chiến công chung của toàn đội: 08 giải quốc gia (05 giải Ba và 03 giải Khuyến khích) với sự góp mặt của ba môn Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học.
Ảnh: Em Vy Thị Bích Thủy - K38C1 giải Ba HSG Quốc gia (vượt cấp)
Ảnh: Em Vy Thị Bích Thủy và Hoàng Anh Thư - 02 HSG Quốc gia vượt cấp
Ảnh: 08 em HSG Quốc gia mùa thi thứ ba
Ảnh: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đào và 8 học sinh đạt giải Quốc gia mùa thứ 3 (năm học 1996 - 1997)
Mùa thi thứ tư được đặt trên một niềm tin đã được củng cố vững chắc: Học sinh Vùng cao Việt Bắc không chỉ tham gia mà còn có thể giành kết quả tốt nếu có sự đầu tư chu đáo về mọi mặt. Khóa 38 (thêm 2 học sinh K39) bước vào cuộc tranh tài có phần chủ động hơn. Ngày mới vào trường, chứng kiến lễ vinh danh những HSG Quốc gia, nhiều em ao ước sẽ có một ngày được như các anh chị… Sang lớp 11, hai bạn cùng trang lứa thi vượt cấp đạt giải Quốc gia càng thôi thúc các em quyết tâm phấn đấu.
Dành tối đa thời gian cho học tập, nhiều em tự giác rút ngắn các kì nghỉ hè, nghỉ tết, lên kế hoạch tự tìm hiểu nâng cao kiến thức, chủ động đề nghị thày cô giao thêm bài tập… Nhưng cuộc chiến thật sự phải đến lớp 12. Các tổ chuyên môn trở thành “đại bản doanh” cho các đội tuyển. Không cần nhắc nhở, các em lên sớm trước giờ thày cô lên lớp và về kí túc khi các bạn đã chìm sâu vào giấc ngủ. Điều đáng quí là say sưa ôn luyện nhưng các em vẫn tích cực tham gia các hoạt động tập thể vì không muốn ảnh hưởng đến kết quả thi đua của lớp. Cứ vậy, cho đến ngày các em bước vào cuộc tranh tài…
Thời gian chờ đợi mới dài làm sao! Bao lo lắng, ngóng trông, hi vọng… nhưng đành giấu kín trong lòng! Để rồi khi phòng Đào tạo thông báo kết quả thì cả sân trường như nổ tung vì sự phấn khích! Số giải đạt được là 15 giải, trong đó có 07 giải môn Hoá, 04 giải môn Văn, 03 giải môn Sử và 01 giải môn Địa lý. Cả trường chia sẻ niềm vui với thày trò các đội tuyển sau một chặng đường đầy thử thách và phấn đấu quyết liệt.
Ảnh: 15 em HSG Quốc gia năm 1998
Với các thày cô tham gia ôn luyện cho đội tuyển, trách nhiệm và công việc nặng nề gấp bội. Thày cô phải trang bị thêm “vốn liếng” kiến thức nâng cao, bởi những gì “đầu tư” trước đó chỉ phù hợp với nhiệm vụ “vá” lỗ hổng kiến thức cho học trò. Rồi là việc chọn lựa: Dạy cái gì? Và dạy như thế nào? Dạy cao quá học sinh không tiếp thu được dễ gây tâm lí chán nản, nhưng hạ thấp thì không đáp ứng yêu cầu kì thi.
Ảnh: Đội ngũ thày cô giáo ôn luyện đội tuyển HSG Quốc gia những mùa đầu.
Ảnh: Đặng Bích Ngọc - K38C1 - Học sinh đầu tiên đạt giải Quốc gia môn Địa lí
Kinh nghiệm của các trường Chuyên không thiếu nhưng không thể áp dụng dập khuôn, máy móc vì nhiều lí do. Ở các trường Chuyên, học sinh được chọn vào các đội tuyển đã qua sự sàng lọc kĩ càng, lại học theo một chương trình riêng với quỹ thời gian lớn và có sự đầu tư bài bản từ phía gia đình tới nhà trường. Còn ở Vùng cao Việt Bắc, không có chương trình riêng, quỹ thời gian eo hẹp, những học sinh được chọn vào đội tuyển không phải em nào cũng khá giỏi mà còn non yếu về cả kiến thức và kĩ năng làm bài. Vì vậy, nhiệm vụ “chuốt ngọc” của các thày cô đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, không thể nóng vội: Phải từng bước hoàn thiện và nâng cao kiến thức; từ hiểu sâu, nắm chắc kiến thức đến vận dụng để giải đề cụ thể; từ nghe giảng đến tự đọc tài liệu dưới sự hướng dẫn của thày cô; từ ôn đến luyện và chữa bài tay đôi để sửa lỗi cho từng em… Tất cả điều đó đòi hỏi rất nhiều thời gian, trí lực mà nếu như không tâm huyết thì không thể làm được.
Ảnh: Cô Nguyễn Thanh Thuỷ và cô Vương Thị Vân Anh - Những người "Cầm lái" đội tuyển Văn
Bên cạnh việc rèn giũa kiến thức, thày cô còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những đứa con xa nhà, thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ, người thân. Đó là việc vô cùng quan trọng mà nếu bỏ qua sẽ khiến mọi cố gắng đổ sông đổ bể. Để giúp học trò xóa đi sự tự ti, mặc cảm, đủ tự tin bước vào cuộc tranh tài, thày cô luôn nâng niu, khích lệ dù chỉ một phát hiện nho nhỏ hay một cách giải đề hay của các em. Không chỉ trong giờ ôn luyện, thày cô còn thường xuyên quan tâm tới các em ngoài giờ học: Lời hỏi han chân tình khi các em đau ốm, hoặc giúp các em tháo gỡ những vướng mắc trong tình cảm…
Ảnh: Cô Nguyễn Thanh Thuỷ và cô Nguyễn Thị Phương Dung bên các học trò
Hôm học trò đi thi, không ai bảo ai nhưng các thày cô đều có mặt ở cổng trường động viên khích lệ. Một lời dặn dò chu đáo, một cái nắm tay thật chặt như truyền thêm sức mạnh cho các em trước khi bước vào cuộc chiến. Tôi từng hỏi một học sinh đạt giải Ba môn Hóa năm đó: “Em có còn nhớ cảm xúc khi được giải Quốc gia không?” Sau 19 năm, cậu học trò láu táu khi xưa giờ đã trở thành người đàn ông chín chắn, biết che dấu cảm xúc - Chàng Tân thạc sĩ mới tu nghiệp ở nước ngoài về nửa đùa nửa thật: “Cảm xúc khó tả lắm cô ạ! Nhưng nếu không có bát cơm rang trứng của các cô thì cũng không có giải Quốc gia”! Chuyện bát cơm rang trứng tôi không còn nhớ nhưng có một điều thật là các thày cô đã coi học trò như con cháu nên việc tự nguyện dạy thêm giờ, thêm buổi không đòi hỏi sự bồi dưỡng, hay đem hộp bánh, gói kẹo, chút hoa quả cho các em là chuyện bình thường… Chính điều ấy đã giúp mối quan hệ thày trò trở nên khăng khít. Và say mê ôn luyện một phần vì bản thân và cũng là cách các em thể hiện lòng biết ơn với những người thầy đã hết lòng dạy dỗ.
Ảnh: NGND Nguyển Văn Đào, cô giáo chủ nhiệm K44A1 và 5 học trò đạt giải HSG Quốc gia (vượt cấp) năm 1998
Về phía học trò là cả một sự cố gắng không ngừng nghỉ để vượt qua những giới hạn của chính mình. Có những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt bất lực nhưng quan trọng là các em không bao giờ chịu buông xuôi! Đó là câu chuyện của cô trò nhỏ đạt giải Ba môn Văn mùa thi năm ấy. Lúc đi thi về, mắt vẫn còn đỏ hoe, em nghẹn ngào nói với tôi: “Đề dùng những từ nghe lạ lắm!… Hoảng quá, em đã khóc rất lâu rồi mới làm bài…”. Nhưng em lại đạt giải cao nhất của đội tuyển Văn! Đúng là có lo lắng, hoang mang nhưng nhất quyết không bỏ cuộc! Nếu biết rằng bài kiểm tra chất lượng vào lớp 10, em bị điểm 3 vì phạm những lỗi đơn giản nhất thì mới thấy thành quả em đạt được là kết tinh của một quá trình phấn đấu bền bỉ, quyết liệt và dũng cảm! Vậy nên với mỗi giải Quốc gia dù chỉ là Khuyến khích cũng rất đáng trân trọng!
Ảnh: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đào và các em HS đạt giải Quốc gia môn Lịch sử năm 1998
Ảnh: Thầy Nguyễn Văn Đào, cô giáo Hoàng Thị Tâm, Hoàng Thị Đặng và 02 HS K38C1 đạt HSG Quốc gia (Hoàng Thị Mai - Giải Nhì, Trương Văn Nội - Giải Ba) năm 1998
Niềm vui trọn vẹn nhất mùa giải này thuộc về thày trò đội tuyển môn Hóa: 100% các thành viên đội tuyển - gồm 7 học sinh của K38A1 đều đạt giải (01giải Nhì, 03 giải Ba và 03 giải khuyến khích), góp phần quan trọng vào thành tích toàn đoàn, đội tuyển Hóa trở thành điểm sáng lung linh trong bức tranh mùa giải đẹp của năm học 1997 - 1998.
Ảnh: Cô trò đội tuyển môn Hoá học - 100% học sinh đội tuyển đều đạt giải
Gần hai mươi năm sau tôi có dịp hỏi cô Nguyễn Thị Phương Dung, giáo viên chủ nhiệm K38A1, cũng là người cầm lái tuyệt vời của đội tuyển: “Lúc ấy em có tâm trạng thế nào?” Cô trả lời, giọng vẫn đầy xúc động như chuyện vừa mới hôm qua: “Em chạy như bay lên lớp báo cho học sinh, tâm trạng như cầu thủ sút bóng vào gôn trong trận chiến cam go… Giờ chị hỏi, em vẫn còn cảm xúc đó, vỡ òa… Không bao giờ có được cảm xúc này và cũng không bao giờ em quên được cảm xúc này... Từ hôm ấy, trong lớp em có một niềm vui lan tỏa, một không khí vui vẻ, say mê học tập, đáng yêu lắm chị ạ…”
Ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung - GVCN - "Người cầm lái vĩ đại" của Đội tuyển Hoá học năm ấy
Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc thánh thiện của một giáo viên tâm huyết với nghề, chỉ đau đáu một khát khao giúp cho học trò đạt thành tích cao nhất nên đã làm việc say sưa không hề toan tính. Để rồi, khi trò bước vào phòng thi, cũng là lúc cô kiệt sức, phải nhập viện! Tài năng và sự tận tình của cô cùng với sự nỗ lực của học trò đã cộng hưởng để tạo nên kì tích có lẽ “Vô tiền khoáng hậu” ở Vùng cao Việt Bắc.
Ảnh: Cô Trần Thị Đoàn - Cô giáo có 02 HS đạt giải Quốc gia vượt cấp năm 1998
Còn cô Trần Thị Đoàn, dạy lớp 11 (K39C1) vì muốn học trò có cơ hội thử sức nên đã dành nhiều thời gian để bù đắp cho các em phần kiến thức thiếu hụt. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần cô đưa học trò về nhà chăm sóc và dạy thêm kiến thức. Chỉ khi hai em đạt giải, cả trường mới biết những việc làm thầm lặng đáng trân trọng ấy. Suy nghĩ của cô thật giản dị: “Trước khi chuyển trường cũng muốn góp sức vào thành tích chung”. Và hai giải Quốc gia (vượt cấp) là món quà kỉ niệm không thể đẹp hơn của cô giáo Trần Thị Đoàn đã dành tặng nhà trường!
Ảnh: 2 học sinh đạt giải HSG Quốc gia vượt cấp năm 1998 Lang Thị Mai Hương - Vi Thanh Huyền
Ảnh: Cô giáo Thanh Vân - Trần Thị Đoàn với 02 học trò Lang Thị Mai Hương và Vi Thanh Huyền
Ảnh: Cô giáo Thanh Vân và em Đoàn Hải Yến K40C1 - Học sinh đầu tiên đạt giải Nhì kì thi chọn HSG Quốc gia môn Văn
Ảnh: Nữ sinh K41 đạt giải HSG Quốc gia trước ngày ra trường
Sau này, trường ta có năm còn đạt tới 25 giải (2003), nhưng ấn tượng đậm nhất trong tôi vẫn là mùa giải 1998 - mùa giải khởi đầu cho bước đi vững vàng trên chặng đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ. Thành công của các kì thi HSG Quốc gia đã tạo nên hiệu ứng đặc biệt: Không chỉ là những học sinh đạt giải đã tự tin hơn khi bước ra biển lớn - môi trường chuyên nghiệp mà nó còn thổi bùng khát khao phấn đấu của các thế hệ đàn em, có sức lan tỏa kì diệu đến những bản làng xa xôi, đến các bậc phụ huynh và những em nhỏ đang ngồi trên ghế THCS. Trở thành “địa chỉ đỏ” cho học sinh các dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh miền núi Phía Bắc và Bắc miền Trung, “Vùng cao Việt Bắc” xứng đáng là “Cánh chim đầu đàn” của các trường DTNT như lời Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương ghi tặng trong sổ vàng truyền thống của trường trong dịp về thăm năm 2000.
Ảnh: Em Hoàng Trường Minh K44 A1 - 2 giải HSG Quốc Gia (Giải Khuyến khích môn Văn lớp 11) và Giải Ba môn Sử lớp 12)
Hơn 20 năm kể từ mùa đầu tiên tham dự kì thi chọn HSG Quốc gia, đã có trên 300 học sinh đoạt giải. Hầu hết các em đã trưởng thành, khẳng định được bản thân, có vị trí xứng đáng và quan trọng hơn - như chính chia sẻ của một cựu học sinh từng đạt giải Quốc gia: “Giờ có thể chúng em chưa thành đạt nhưng chắc chắn đã thành Người”. Suy nghĩ thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía và đầy tự tin. Bởi trước khi trở thành người nổi tiếng, có vị trí trong xã hội thì hãy là con người tử tế, chân chính! Còn thế hệ thày cô đặt những viên gạch đầu tiên xây nền móng vững chắc cho chặng đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ của các đội tuyển Quốc gia, ngoài một số chuyển trường thì đã nghỉ hưu. Một thế hệ trẻ tài năng, tràn đầy nhiệt huyết đã kế thừa vững chắc và tiếp tục gặt hái những thành công mới.
Ảnh: Cô Hiệu trưởng Lục Thuý Hằng và Bí thư Đoàn trường Trần Thị Thanh Huệ - 2 thế hệ thầy trò cùng trưởng thành từ Mái ấm Vùng cao
60 năm xây dựng và phát triển, trường Vùng cao Việt Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương và chính nhà trường cũng đang thừa hưởng những trái ngọt do chính mình ươm trồng. Những học sinh giỏi Quốc gia như: Nguyễn Thu Trang, Ma Thị Vui, Trần Thị Thanh Huệ, Lý Hồng Chuyên… đang là những giáo viên nòng cốt của các tổ chuyên môn. Trong đó, cô học sinh khóa 34 - Lục Thúy Hằng là tấm gương của sự phấn đấu bền bỉ, nghiêm túc để từng bước trưởng thành vững chắc và trở thành Hiệu trưởng của nhà trường hiện nay.
Ảnh: Cô Hiệu trưởng Lục Thuý Hằng cùng các thầy cô giáo Tổ Ngữ Văn nhà trường
Ngày Hội trường đang đến gần, Mái ấm Vùng cao thật tưng bừng, rộn rã, trên gương mặt thầy trò rạng ngời niềm hân hoan, náo nức của niềm vui ngày hội ngộ. Chúng ta cùng chúc cho thày trò trường Vùng cao Việt Bắc ngày càng ghi thêm nhiều thành tích mới, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lao động” được Nhà nước phong tặng.