Dạo một vòng facebook, đâu đâu cũng thấy người “nhà mình”, sắc màu Vùng cao nhuộm thắm trang mạng xã hội như thúc giục mỗi người con Vùng cao Việt Bắc hẹn “Ngày trở về”.
Nhanh thật, mới ngày nào kỉ niệm 55 năm thành lập trường, lớp mình 50 con vịt chụm lại như đàn kiến khiêng khung trại từ Công nghệ thông tin về, rồi tự bắt tay vào trang trí, tự làm “hoa mặt trời” bằng ống hút... Nhìn các anh chị khóa trên thành đạt về thăm trường, mấy đứa đùa nhau: “Kỷ niệm 60 năm nhớ dắt cả con theo về...!” Thế mà thoáng cái đã 5 năm, càng sát ngày về, những kỉ niệm về Vùng cao cứ ùa về như mới hôm qua…
Còn nhớ, hôm đầu nhập học, ấn tượng đầu tiên của mình là “Trường này sao mà rộng thế", đi mãi mới về đến kí túc xá nhận phòng, rồi nếu mà có muốn quay lại sân trường là thảo nào cũng mò mẫm mà đi lạc. Ấy thế mà chỉ sau vài ba tuần, cái “thế giới rộng lớn ấy” đã “nằm gọn trong lòng bàn tay”, là ngôi nhà, là “Mái ấm” thực sự mà kể cả giờ đây, khi đã ra trường, hình ảnh từng hàng cây, hàng ghế đá, góc sân trường, từng dãy giảng đường, kí túc xá… mình vẫn còn nhớ như in. Có lẽ bởi đó là nơi lưu giữ một phần thanh xuân, là nơi đầy ắp những kỉ niệm với biết bao vui, buồn của tuổi học trò đầy mộng mơ mà chỉ cần chạm vào đấy thôi, chỉ cần cất lên tiếng gọi “Vùng cao Việt Bắc” là thước phim hồi ức sẽ từ đó mà quay lại, từng chút, từng chút một…
Không phải là một trường quân đội nhưng ở Vùng cao, bạn sẽ được rèn cho mình không chỉ tính tự lập mà cả lối sống có kỉ luật, kỉ cương. Nếu được hỏi là một ngày ở Vùng cao bắt đầu như thế nào, có lẽ không chỉ mình mà hầu hết những “người con" Vùng cao đều nghĩ ngay đến giai điệu : “Pa pà ra pa pà ra…, Việt Bắc đây mái trường dân tộc Vùng cao", giai điệu đã từng là "ác mộng" với mỗi cô cậu học sinh, bởi cứ tưởng tượng khi bạn đang mơ một giấc mơ thật đẹp mà giai điệu ấy vang lên thì ngay lập tức phải bật dậy thật nhanh, rồi cấp tốc làm vệ sinh cá nhân và phi như bay lên sân trường tập thể dục.
Thế mà chẳng may hôm nào hấp tấp mắt nhắm mắt mở quên đeo thẻ học sinh hay lỡ xỏ nguyên đôi dép lê ra cổng kí túc thì nghiễm nhiên bạn được ngồi chễm chệ ở cả sổ quản sinh lẫn sổ cờ đỏ… Có lẽ bởi sự “tác động” mạnh mẽ ấy mà lên đại học, mấy đứa lấy nguyên bài ca truyền thống của trường làm chuông báo thức, nhờ đó mà những con sâu ngủ rất hiếm khi bị trễ giờ học.
Đúng như tên gọi mà bao thế hệ vẫn thường cất lên với cả niềm tự hào, kiêu hãnh: “Mái ấm Vùng cao” thực sự là một mái nhà, một gia đình mà ở đó “Thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”. Và lớp mình là một gia đình nhỏ trong đại gia đình đó, là lớp chuyên văn, lại đa phần là nữ nên A5 mình sống rất tình cảm.
Nhớ ngày chia tay cô chủ nhiệm đi công tác ở Lào, mắt đứa nào cùng nhòe đi trong lưu luyến, bịn rịn; nhớ những lần cùng nhau đón Trung thu rồi chạy toán loạn trong hội bóng nước; những ngày lễ của các cô nàng khiến “Ba bông hoa đồng tiền” của lớp dày công chuẩn bị nào bánh kẹo, trò chơi không thiếu một thứ gì; rồi lần cả lớp bí mật chuẩn bị sinh nhật cho Bầm; những chiều bày biện “đại tiệc ốc” và buôn đủ thứ chuyện trên trời… Có thể nói, ba năm ở Vùng cao đã cho mình những người thầy, người mẹ, người bạn tuyệt vời nhất, những người mà sau này dù không cùng mình bước vào cùng một trường đại học nhưng vẫn là "nơi" cùng mình sẻ chia những vui, buồn trong cuộc sống.
Và ai có thể quên ngày hội tết Dương lịch ở Vùng cao với màn trình diễn vũ dân tộc, vũ quốc tế và cả chương trình Gặp nhau cuối năm đầy ấn tượng; rồi những đêm về nghỉ tết Nguyên đán, sân trường như biến thành sân ga đón những người con trở về nhà; có lẽ chẳng ở đâu mà “đấng mày râu” được ưu ái dành trọn một ngày để được “tôn vinh” như ở Vùng cao. Mỗi năm, cứ đến 9/9, mỗi góc sân trường hay kí túc lại được các cô gái trang hoàng nào bánh kem, nào nến thật là lãng mạn, thế mới thấy là con trai cũng thật tuyệt! Tất cả đã trở thành thương hiệu chỉ của riêng Vùng cao Việt Bắc.
Nói về chuyện ăn uống thì có lẽ hình ảnh đầu tiên mình nghĩ đến sẽ là hình ảnh “chiếc thìa”. Ở Vùng cao, thứ không thể thiếu trong cặp của mỗi bạn khi đến lớp là một chiếc... thìa ăn cơm và chỉ chờ chuông báo hết giờ vang lên là cả bọn nô nức kéo về nhà ăn, sẵn sàng "cuộc chiến" chọn cho mình suất cơm ngon nhất, dẫu suất nào cũng có "menu" giống nhau cả. Còn nhớ lớp mình mấy lần bị các cô ghi sổ vì “ăn suất cơm của bạn” mà đến giờ vẫn chưa biết thủ phạm là ai?!
Kể về đồ ăn ở Vùng cao mà bỏ qua hàng quán trong kí túc thì quả là một thiếu sót lớn. Thật không ngoa nếu gọi đó là “thiên đường ẩm thực” mà nếu phải tìm ở nơi nào đồ ăn vừa ngon, vừa rẻ thì mình sẽ không do dự mà chọn cantin Vùng cao. Nào quán cơm nhà Ba chị, bác Thái Vân, quán cháo chị Béo, phở chị Hồng, xúc xích, lạp xưởng chị Hương và đặc biệt là đùi gà quẩy, cóc của Bà mà đến giờ mình vẫn chưa biết tên… Chỉ cần nghĩ đến thôi là muốn rủ nhau về ngay để mà thưởng thức!
Đúng như những lời thơ của Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”
Để nói về những kỉ niệm ở Vùng cao thì có lẽ không giấy bút nào có thể diễn tả hết được. Chỉ mong sao thật nhanh đến ngày hội trường, ai cũng thu xếp được công việc để cùng nhau trở về, lại cùng nhau chuyện trò, cùng nhau vui đùa vẫn ở góc sân trường ấy, dưới những hàng cây, hàng ghế đá ấy và viết tiếp câu chuyện mang tên “Vùng cao Việt Bắc”…❤