Sáng sớm mở điện thoại ra, những hình ảnh của học sinh khóa K37 liên tục cập nhật làm tôi thấy nao lòng. Đây có thể nói là khóa học đầu tiên tôi chính thức đứng trên bục giảng với vai trò của một cô giáo mà không phải là một sinh viên thực tập. Buổi chào cờ hôm đấy, tôi vẫn nhớ, ngày 20/09, tôi được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đào giới thiệu với tất cả học sinh, cô giáo dạy môn Sinh học, 21 tuổi, chính thức chủ nhiệm lớp 11B. Các em nổ một tràng pháo tay giòn giã đón chào một cô giáo quá trẻ so với các em lúc bấy giờ.
Hết giờ chào cờ, tôi hồi hộp theo chân thầy Phùng Đức Cắm - Trưởng phòng Đào tạo lên nhận lớp chủ nhiệm vì cô giáo chủ nhiệm cũ của các em đi học cao học. Lớp 11B ở tận trên tầng 3 của giảng đường A, lại ngay đầu cầu thang, tôi đang tự mường tượng ra tất cả ánh mắt của các em sẽ nhìn tôi như thế nào nhỉ? Đúng là tôi có làm Phó đoàn thực tập tại trường trong học kỳ 2 của năm học trước nhưng lúc đó, các em đang học lớp 10 và tôi lại thực tập tại lớp 11, ồ hóa ra chúng tôi chưa thực sự biết gì về nhau.
Bước chân vào lớp, một ánh mắt sắc lạnh nhìn tôi từ đầu đến chân, em nhìn tôi một lần nữa rồi quay mặt đi, khuôn mặt em dữ dằn trong bộ quần áo rằn ri bộ đội làm tôi cảm thấy sợ (Ngày đó học sinh chưa phải mặc đồng phục tất cả các ngày như bây giờ). Tôi tự trấn an, mình phải bình tĩnh, các em là học trò mà. Rồi tôi cũng lấy hết bản lĩnh của mình và giới thiệu tên, tuổi với các em: "Tôi sẽ thay cô giáo Huyền chủ nhiệm các em bắt đầu từ hôm nay, hi vọng được các em giúp đỡ…".Em học sinh dữ dằn lại quay lại nhìn tôi với một ánh mắt không có thiện chí đón tiếp, còn các em khác cũng chẳng biểu cảm gì cả. Tôi hiểu, khó khăn thực sự bắt đầu.
Tôi rời khỏi lớp trong khi vẫn còn đang run bởi thái độ của cậu học trò ấy. Buổi tối đầu tiên ở trường, tôi vào một quán ăn tối để buổi tối làm nhiệm vụ trực giảng đường. Đang ngồi ăn thì tôi nghe thấy một bàn phía xa đang bàn tán gì đó rất sôi nổi, một câu nói rất to:
" Hôm nay lớp tao có một bà giáo chủ nhiệm mới, non choẹt, nói thực là tao cóc sợ…". Tôi ngẩng lên và đã nhận ra cậu học sinh đó ở lớp mình chủ nhiệm, người cao, gầy, có khuôn mặt rất xương và đang nói về mình.
Tôi lấy hết sức bình tĩnh tiến lại chỗ cậu học trò đó và nói: "Cô chính là bà giáo ấy đấy, nhưng cô nghĩ, cô chưa đến tuổi được gọi bằng bà".
Cậu học trò đó giật mình, vì không ngờ câu nói đó của cậu tôi lại nghe thấy, sau đó tôi ăn hết suất cơm rồi vào trường, bỏ lại sau lưng những bàn tán của bàn ăn hôm đó. Hai mươi năm rồi, bây giờ cậu học trò ấy đã sở hữu một doanh nghiệp tư nhân về vận tải, nhưng chắc chỉ có tôi nhớ về kỷ niệm này.
Thế rồi, mọi chuyện cũng trôi qua, cậu học trò có ánh mắt dữ dằn ấy lại là một người sống rất tình cảm. Một cú sốc rất lớn đã xảy ra với cậu nên cậu trở nên như vậy. Nghe các em học trò đồng hương kể, bố của em bị người ta đâm chết oan nên cậu rất căm giận, là con trai trong một gia đình có 4 anh em trai nhưng cậu học trò ấy lại rất khéo tay và nấu ăn rất giỏi, sau này thi thoảng tôi vẫn được thưởng thức món ăn do em nấu. Hai mươi năm sau, trong một chuyến công tác tôi đã gặp lại vợ chồng cậu học trò ấy, cả hai đều là học sinh lớp tôi, hiện đã rất thành đạt, đều có chuyên môn nghiệp vụ, công chức nhà nước, tôi cảm thấy một chút hân hoan vì sự thành công của hai em.
Cũng có thể, khi đó tôi còn quá trẻ nên tôi rất dễ bị xúc động và dễ lo lắng cho cái tập thể mà mình được phân công phục trách. Ngày nhận chủ nhiệm, tôi thấy nhiều ánh mắt đồng nghiệp nhìn tôi với chút thương cảm và chia sẻ. Lúc này tôi đâu hiểu điều gì đang chờ đợi tôi ở phía trước, mới ra trường, có công ăn việc làm đã là rất hạnh phúc rồi. Mãi sau này tôi mới biết, lớp mà tôi nhận 11BK37 vốn dĩ có tới 29 em, nhưng đã có 8 em bị kỷ luật, bị chuyển trường, bị đúp xuống và lúc tôi nhận lớp chỉ còn 25 em, sau này có 2 em mới chuyển đến lớp 12 là tròn 27 em.
Trong bảng xếp thành tích thi đua có 21 lớp thì các em đang xếp thứ 21/21. Điểm đầu vào của lớp tôi còn thảm hại hơn nhiều, các em có điểm cao môn Toán thì vào các lớp A1, A2, A3, các em điểm cao môn Văn thì vào lớp C1, C2, C3… các em học bình thường thì vào lớp D1, D2. Còn lớp tôi, thuộc ban Khoa học kỹ thuật, tức là không cần điểm đầu vào, nghe thấy đã biết có nhiều "chông gai" rồi. Nhưng đứng trước một thử thách như vậy, chúng tôi lại tự đi lên từ con số 0 tròn trĩnh đó.
Học lớp B, tôi vẫn nhớ các em được chuyên trồng rau, chăn lợn, và nhất là mùa rau cải bắp, ngoài việc trồng rau cung cấp cho bếp thì lớp tôi luôn có món dưa bắp cải muối, muối từng xô một, sau đó đến bữa thì mang lên ăn kèm, ăn đúng sản phẩm mình làm ra nên rất ngon, ngày đó vì chưa có gia đình nên tôi cũng hay "lân la" ăn cơm cùng học trò.
Việc khó nhất với tôi lúc bấy giờ chính là nghe ngôn ngữ địa phương của các em, lớp tôi có 4 em học trò người Minh Hóa - Quảng Bình, các em thuộc tộc người Nguồn và nói rất nhanh, nói thực là tôi không biết các em nói gì cả, hai em người Tương Dương - Nghệ An thì thi thoảng "phát sóng ngắn" với nhau, hình như là để cô không biết họ đang nói chuyện gì, còn một số em thì nói tiếng dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái… Cũng may mắn là sau màn thử thách đầu tiên đó, các em cũng thấy tôi vui vẻ, hòa đồng nên cũng gần gũi với tôi hơn, nhưng khoảng cách tuổi tác của chúng tôi thì không xa nhau lắm, em lớp trưởng còn bằng đúng tuổi tôi.
Có lần, lớp tôi có phụ huynh tận trên Trùng Khánh - Cao Bằng mất, tôi được nhà trường cử đi viếng, em lớp trưởng đã cùng tôi đi Cao Bằng để phiên dịch cho tôi, vì em là người Tày, gia đình của bạn có bố mất cũng là người Tày. Vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái nguyên, cũng không mấy khi phải đi đâu xa, lần đầu tiên tôi phải đi xa đến thế, toàn đường đèo dốc, tôi lại rất say xe, đi lên thành phố Cao bằng đã phải vượt qua 5 cái đèo, mà có thể nói lúc đó tôi còn rất ít khái niệm về đèo, dốc… rồi lại phải vào tận Trùng Khánh, lại vượt đèo… ui chao, thật gian nan.
Vào đến Trùng Khánh, chúng tôi được gia đình đón bằng xe máy, đi 12 km đường trơn trượt. Quả thực đến hôm nay tôi vẫn thầm cám ơn cậu lớp trưởng đã tháp tùng tôi, tôi cũng không biết được nếu hôm đó đi một mình tôi sẽ như thế nào nữa. Vào đến nhà đám, thì không một ai biết tiếng Việt, còn em lớp trưởng sau một hồi khua chân múa tay không thể dịch nổi ngôn ngữ của người Tày ở nơi đây, cuối cùng hai cô trò thống nhất, thôi mình tự trao đổi với nhau, ra tín hiệu cho họ hiểu.
Đêm đến, gia đình có thầy Tào cúng ma suốt đêm, tôi tự mình khám phá thêm những phong tục, tập quán mà từ xưa đến lúc ấy tôi chưa được trải nghiệm, và tôi được biết đám ma ở trên đó họ để 7 ngày, mặc dù người mất hôm đó cũng là một thầy giáo dạy cấp 3. Món ăn cũng vậy, tôi vốn khó ăn, mà ở địa phương họ ăn những món rất địa phương nên tôi chỉ đành ngồi nhìn, chấm bát, chấm đũa cho phải phép, cũng chả đi đâu để mua được đồ ăn vì có biết tiếng đâu mà mua. Ở dưới gầm nhà sàn họ vẫn nuôi trâu, nuôi lợn, nên mình không quen sẽ khó có một giấc ngủ, dù rất mệt sau một chặng đường xa xôi, vất vả.
Hôm sau chúng tôi trở về trường thì lại gặp một chuyến xe bão táp, cứ lên đèo lại chết máy, cả một đêm chỉ ở trên xe chờ lái xe và phụ xe họ sửa. Đúng là rất lâu sau tôi mới có dịp trở lại Cao Bằng, nhưng là chuyến đi thực tế địa bàn tuyển sinh của trường thì mọi sự đã khác xa rất nhiều, đường xá cũng như con người, địa bàn đều đã thay đổi, nhưng dù sao đấy cũng là kỷ niệm không thể nào quên của tôi khi bắt đầu làm chủ nhiệm. Bạn lớp trưởng của tôi ngày ấy bây giờ đã là một Hiệu trưởng, không biết bạn ấy có cảm giác gì khi phải tháp tùng một người thiếu kinh nghiệm miền núi như tôi, mà cậu ấy lại trong vai một học trò.
Hình như các bạn ấy cũng rất thấu hiểu tôi là một giáo viên còn rất trẻ, lần đầu chủ nhiệm gặp nhiều áp lực, nên đã cố gắng rất nhiều, khi mà những đợt thi đua cuối năm các bạn ấy còn vươn lên trong tốp đầu của trường.
Tôi còn nhớ như in, một lần thi Người đẹp văn hóa các dân tộc, lớp tôi vốn chỉ có 8 cô con gái, mà chiều cao cũng chỉ ngang... cô giáo nên chẳng thể đi thi được, vậy là chúng tôi cử một bạn lớp phó học tập tham gia dự thi, bạn này vốn là dân thể thao nên cao to, đẹp trai, nhưng bạn ấy như kiểu "bắt nạt" tôi ấy, sắp đến giờ thi, đã trang điểm xong rồi thì bạn ấy bảo: "Cô ơi, em không có quần dài để mặc…". Trời đất, vậy là quần đồng phục của bạn ấy đang giặt, tôi lại lọ mọ đi là cái quần ướt sũng ấy cho đến khô để bạn ấy lên sân khấu. Lúc thi năng khiếu, gần vào thi thì bạn ấy bảo: "Em quên mất khăn mùi xoa ảo thuật ở phòng…". Đến cuối hội thi, bạn ấy đạt điểm số cao nhất, nhưng do là nam nên không thể trao vương miện cho bạn ấy và bạn ấy đạt giải Nhì, lúc ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Rồi lớp tôi bổ sung thêm hai bạn nữa, một bạn đến từ Yên Bái, một bạn đến từ Lào Cai, bạn gái đến từ Lào Cai thì rất là mít ướt, hai tháng đầu bạn ấy khóc suốt, vậy mà bây giờ bạn ấy lại "rinh" theo cả anh chàng Công an hình sự mang từ Thái Nguyên về Lào Cai chứ. Hai bạn ấy cũng là một cặp đôi cùng lớp rất hạnh phúc và đẹp đôi. Khi lên Lào Cai công tác, việc đầu tiên là tôi tìm gặp cặp vợ chồng ấy. Và cũng ở lớp BK37 này, tôi còn nổi tiếng về việc rất thân với khoa Ngoại của bệnh viện A Thái Nguyên nữa.
Không hiểu sao con gái lớp tôi chỉ cho 8 người mà liên tục có tới 5 người mổ ruột thừa, chỉ trong vòng một kỳ mà tôi phải chăm tới 8 bạn nằm bệnh viện A. Có một bạn nam rất to tiếng nói rằng, lũ con gái mới phải nằm viện chứ bạn ấy không bao giờ, hóa ra vài hôm sau tôi lại phải đưa bạn ấy vào viện tới 2 tuần… Chả biết "duy tâm" hay không nhưng ngày đó cứ có con dơi bay vào lớp, nếu các bạn nam mà đánh chết dơi là y rằng hôm sau lớp tôi có người vào bệnh viện.
Tôi vẫn nhớ tối hôm đó em La Văn Thái báo tôi là con dơi nó cứ bay vào mặt em, em bực quá lại đập chết nó rồi. Tôi thầm nghĩ, có tới 5 em mổ ruột thừa rồi, chắc không thể mổ thêm nữa. Sáng hôm sau, thứ 2 giờ chào cờ, bạn Ma Thị Nội, người vừa đi mổ ruột thừa về lại vấp phải cái cột cầu trên sân trường, cái cột cầu đập vào đầu bạn và rách lại đi khâu 12 mũi. Trời đất, thế là năm sau tôi xin không ở phòng học tầng 3 đó nữa.
Năm học 12 của lớp tôi lại diễn ra khá êm đềm, đến cuối năm thi tốt nghiệp, các trường phân ban phải trộn học sinh để thi, bàn đi tính lại thì nhà trường quyết định, riêng lớp tôi ban B sẽ thi cùng trường THPT Chu Văn An. Ngày đi thi cả trường "tiễn" các em đi thi trong lo lắng, ai cũng lo các em sẽ trượt tốt nghiệp. Cả lớp vẫn trêu tôi: “Cô ơi, cô có 27 đứa con, nếu 27 đứa mà liệt sĩ thì cô sẽ được phong Mẹ Việt Nam anh hùng và được xây nhà tình nghĩa ở mặt đường cao tốc (Cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội ngày đó mới xây dựng xong). Nhưng thật may mắn khi 27 đứa con đầu tiên của tôi đều đỗ tốt nghiệp, thật may mắn!
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày các em ra trường, nhưng hôm nay khi nhớ về những ngày đầu làm chủ nhiệm ấy, tôi vẫn nhớ từng khuôn mặt thân quen, nhớ từng điệu bộ, ánh mắt của các em ngày ấy.
Bây giờ các em đều đã trưởng thành, có gia đình, con cái, có sự nghiệp. Mỗi chuyến công tác đến các Tỉnh, tôi vẫn được gặp lại các em và thêm hiểu hơn những hoàn cảnh của các em khi đã trưởng thành. Một chuyến đò đầu tiên trong sự nghiệp làm thầy, một chuyến đò nhiều kỷ niệm buồn vui, và từ chuyến đò đầu tiên này tôi đã trưởng thành nhiều hơn với tâm huyết: “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu!”
|